Chọn đi du lịch dịp Tết từ nhiều năm nay đã trở thành xu hướng của giới trẻ, khi họ không còn muốn trói buộc trong văn hóa đón Tết truyền thống. Thay vào đó, họ muốn chào đón năm mới nơi ở mình thích và làm những điều mình thích. Đối với họ, Tết là để nghỉ ngơi, hưởng thụ và tận hưởng sự thư giãn. Vì lý do này, nhiều tour du lịch Tết Nguyên Đán ra đời, cho phép mọi người đi đến bất cứ nơi nào của đất nước và thậm chí là nước ngoài. Trong đó, du lịch Tết miền Tây tuy mới mẻ nhưng lại là một trong những tour hút khách nhất, đưa du khách đến nhiều trải nghiệm độc đáo chỉ có ở miền sông nước.
>> Xem thêm: Chùm tour miền Tây
Nội dung bài viết
Review về thời tiết ở miền Tây dịp Tết
Du lịch miền Tây dịp Tết, ngoài việc quan tâm đến các địa điểm tham quan, vui chơi, ngủ nghỉ, không ít du khách cũng lo lắng về tình hình thời tiết ở trong Nam. Theo đó, trái ngược hoàn toàn với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, thời tiết ở cả miền Tây Nam Bộ lẫn miền Đông Nam Bộ khá tốt. Lý giải điều này bởi vì những khu vực này thường xuyên phải chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như bão lũ, rét đậm rét hại, sương mù.
Trong khi hầu hết các tỉnh ở miền Bắc đều có sương mù nhẹ, trời rét thì thời tiết ở khu vực Nam Bộ lại khá tốt, rất thuận lợi cho các hoạt động chào đón năm mới. Đây có thể nói là một tín hiệu cực kỳ may mắn dành cho những ai đang có kế hoạch ghé thăm các tỉnh miền Tây vào dịp Tết. Theo dự báo thời tiết, những năm trước, các khu vực như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có ít mưa, ngày nắng ráo, riêng miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.
Cụ thể, theo dự báo thời tiết Tết Nguyên Đán năm nay, miền Nam có thời tiết tương đối ấm áp vì đã chuyển sang mùa khô, thời nắng ráo. Cũng như các năm về trước, nhiệt độ trong những ngày Tết sẽ dao động từ 23 đến 32 độ C, có nơi trên 35 độ, nhiệt độ thấp nhất 23 đến 26 độ. Hơn nữa, Tết Nguyên Đán thường rơi vào tháng 2 Dương lịch, đây vẫn là mùa xuân nên khí hậu cực kỳ ôn hòa, vạn vật đâm chồi nảy lộc, không khí mùa xuân tưng bừng khiến lòng người cũng thêm nô nức.
Những sự kiện lễ hội đặc sắc vào ngày Tết ở miền Tây
Cũng như ở các vùng miền khác, miền Tây ngày Tết cũng là dịp để thể hiện những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán độc đáo. Một trong những phong tục thể hiện rõ văn hóa của miền Tây đó chính là những lễ hội, sự kiện văn hóa được tổ chức trong suốt thời gian chào đón năm mới. Những lễ hội đặc sắc này đem đến cho du khách gần xa cái nhìn chân thực, sâu sắc hơn về văn hóa, cuộc sống của người dân bản địa.
Vượt lên trên tất cả các lễ hội lớn nhỏ khác, Tết Nguyên Đán chính là lễ hội lớn nhất của người dân khắp cả tỉnh thành Việt Nam. Đây là ngày Tết cổ truyền của người Việt, vì vậy những phong tục ngày Tết như cúng ông Táo, ông Công, gói bánh tét, đi thăm người thân vào năm mới đến nay vẫn còn được gìn giữ. Hơn hết, du khách khi có dịp du lịch miền Tây Ta sẽ có thêm những kỷ niệm đón năm mới thật đáng nhớ, là khoảnh khắc được đón giao thừa ở một nơi xa, được ăn bữa cơm đầu năm giữa tình cảm của người dân miền Tây thật đáng trân quý.
Du lịch miền Tây Tết có gì hay?
Đi dạo chợ hoa Tết ở các làng hoa nổi tiếng
Cũng giống như miền Bắc, miền Tây cũng nổi tiếng với nhiều làng hoa đẹp nức tiếng như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng hoa Cái Mơn (Bến Tre) hay làng mai Phước Định (Vĩnh Long). Ở những vùng này, hoa được trông quanh năm suốt tháng nhưng để nói sôi nổi nhất phải kể đến vụ hoa xuân, bắt đầu từ 15 đến hết 30 tháng Chạp. Vào thời điểm này, không khó để bắt gặp những chợ quê chuyên bán hoa hay các thực phẩm ngày Tết.
Ở miền Tây có nhiều khu vực chưng hoa Tết nhưng để có một trải nghiệm thú vị và chân thực nhất thì chắc chắn nên đến các làng hoa. Trong số hơn chục làng hoa nổi tiếng ở miền Tây, làng hoa Sa Đéc được cho là quy mô và đẹp nhất, không chỉ cung cấp hoa cho trong khắp các tỉnh Nam Bộ mà còn xây dựng thêm nhiều điểm tham quan thú vị cho du khách. Điều tạo nên sức hút riêng cho làng hoa nơi đây có lẽ là sự nối tiếp của nhiều vườn hoa với nhau, tạo nên một bức tranh hoa đa sắc màu rực rỡ.
Trải nghiệm du lịch sinh thái miền Tây
Nếu như miền Bắc đã quá nổi tiếng với những di sản văn hóa lâu đời, những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, miền Trung ghi dấu ấn bởi những bãi biển dài thênh thang thì điểm nổi bật của miền Tây lại là du lịch sinh thái. Đi hết các tỉnh thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ thấy hầu như những điểm đến đều có sự tương đồng về cảnh quan, văn hóa. Thông qua loại hình du lịch sinh thái, vùng đất này gửi đến du khách không gian xanh mát, nét văn hóa đặc trưng, ẩm thực mộc mạc, dân dã cùng con người nồng hậu, mến khách.
Du lịch sinh thái ở miền Tây có quanh năm nhưng dịp Tết lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Những khu du lịch sinh thái nổi tiếng như Mỹ Khánh, Cồn Phụng, Tràm Chim, Phú An Khang mở cửa chào đón hàng trăm nghìn du khách từ khắp nơi đổ về, cả khách trong nước lẫn quốc tế. Đến đây, du khách gần xa sẽ được trải nghiệm vô số những điều thú vị như hái trái cây, đi thuyền trên sông, bơi xuồng qua kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, ăn thử món địa phương,vv…
Đi lễ chùa đầu năm cầu bình an
Là vùng đất có sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng, vì thế mà khi có dịp du lịch miền Tây, bạn sẽ chứng kiến được nhiều phong tục đón Tết Âm lịch đặc sắc. Dẫu vậy, tất cả đều tin rằng, Năm mới chính là đánh dấu sự khởi đầu năm mới với những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến. Trong đó, đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, với mong ước cầu bình an, tài lộc cho cả gia đình.
Cũng giống với bất cứ vùng nào trên cả nước, người miền Tây cũng có thói quen đi lễ chùa vào đầu năm mới cùng với gia đình, người thân. Ở xứ Nam Bộ, rất nhiều ngôi chùa không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà còn sở hữu kiến trúc độc đáo, tạo cơ hội cho người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Trong đó, có những ngôi chùa được cho là linh thiêng bậc nhất như chùa Bà Châu Đốc, An Giang, chùa Tây An, Châu Đốc, An Giang, chùa Bửu Lâm, Tiền Giang, chùa Vạn Phước,vv…
Trải nghiệm ẩm thực miền Tây ngày Tết
Không chỉ đặc trưng về cảnh quan, ẩm thực miền Tây cũng có sự khác biệt so với miền Trung và miền Bắc. Từ những nguyên liệu dân dã nơi đồng quê, bà con nơi đây đã khéo léo chế biến nên vô vàn những món ăn mang hương vị riêng. Nói đến những đặc sản miền Tây, ta không quên nhắc đến những món ăn đã trở thành “thương hiệu” nổi danh xa gần như lẩu mắm, lẩu cá linh bông điên điển, bánh xèo củ hủ dừa, cá tai tượng chiên giòn, cá lóc nướng trui,vv…
Về với miền Tây vào những ngày Tết nắng ấm, bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức thêm nhiều món ngon mang hương vị truyền thống như thịt kho nước dừa, bánh tét, chả giò, lạp xưởng, canh khổ qua cùng với vô vàn các loại bánh mứt khác. Một lần được ăn Tết miền Tây, chắc chắn đó là một dấu ấn khó quên bởi mâm cỗ của người dân miền Tây Nam Bộ cũng có sự thú vị, điều đó nằm ở sự giao thoa văn hóa giữa 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer.
Thưởng thức đờn ca tài tử giữa không gian sông nước
Nói đến âm nhạc truyền thống, nếu miền Bắc có ca trù (hát ả đào), chầu văn, chèo, dân ca quan họ thì miền Nam lại có hát bội, đờn ca tài tử. Đi giữa những miệt vườn miền Tây, du khách sẽ nhận thấy một điều thú vị là giữa không gian sông nước nên thơ, có một trải nghiệm khiến người ta say đắm, đó là những bản đờn ca tài tử bất hủ. Được biết, đờn ca tài tử được hình thành từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng khác nhau.
Nét thú vị của đờn ca tài tử ở miền Tây đó là những người thể hiện nó không hề là những nghệ sĩ nổi tiếng mà đơn giản chỉ là những người nông dân, sáng cần mẫn bên ruộng đồng, tối về lại là những giọng ca vàng, thể hiện niềm đam mê bất tận với nghệ thuật đờn ca tài tử. Đó là những bản nhạc thể hiện cho tâm tư, tình cảm của con người cũng như lối sống cởi mở, phóng khoáng của cuộc sống miền sông nước.
Bung xõa với những trò chơi dân gian “rặc” miền Tây sông nước
Không chỉ là những chuyến đi lễ chùa, những mâm cỗ đầy, Tết miền Tây còn mang đến nhiều trải nghiệm hơn thế với những trò chơi dân gian truyền thống. Chỉ cần ghé qua các khu du lịch miệt vườn, điển hình như Cồn Phụng, Phong Điền, Cồn Thới Sơn, du khách có cơ hội được hòa mình vào không khí Tết hân hoan với vô vàn các trò chơi, hoạt động thú vị như chèo xuồng ba lá, tát mương bắt cá, đạp xe qua cầu, leo cầu khỉ, cầu cây thăng bằng, kéo co,vv…
Nếu đã quen với văn hóa ăn Tết miền Bắc, miền Trung, lần này hãy thử về ăn Tết miền Tây, hứa hẹn đó sẽ là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời. Chắc chắn, chuyến du lịch lần này, ngoài những trải nghiệm miền sông nước quen thuộc như khám phá vẻ đẹp sông nước, thưởng thức ẩm thực đồng quê, du khách còn có cơ hội được “ăn Tết” miền Tây độc đáo cũng như cảm nhận vạn vật ngập tràn hương sắc mùa xuân.