Tháng 3 tại Miền Tây Nam Bộ là khoảng thời gian mưa xuân dần ngớt, nắng nhiều, lý tưởng để du khách đến khám phá vùng đất sông nước miệt vườn, hòa mình vào không gian yên bình, mộc mạc và thưởng thức những hương vị đặc trưng của miền Tây. Từ những vườn cây ăn trái sai trĩu quả đến những cánh đồng lúa xanh mướt, từ những phiên chợ nổi nhộn nhịp đến những ngôi chùa cổ kính, du lịch miền Tây tháng 3 có thể đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.
Nội dung bài viết
Khí hậu, thời tiết miền Tây tháng 3
Tháng 3 ở miền Tây Nam Bộ, nền nhiệt độ trung bình dao động từ 28.5 – 30 độ C, tạo nên bầu không khí ấm áp đặc trưng của mùa khô. Lượng mưa tháng này thường rất thấp, thậm chí có nơi không mưa, mang đến điều kiện thời tiết lý tưởng cho các hoạt động du lịch và khám phá ngoài trời. Ngoài ra, giờ nắng nhiều, bầu trời trong xanh là nét đặc trưng của thời tiết miền Tây tháng 3, tạo nên khung cảnh sông nước hữu tình, trù phú. Tuy nhiên, du khách tham quan cần lưu ý rằng cường độ nắng có thể gay gắt vào buổi trưa, nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 34 – 37 độ C, do đó khách du lịch cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe dưới nắng nóng như sử dụng kem chống nắng, mũ nón, uống đủ nước.
Các sự kiện, lễ hội đặc biệt ở miền Tây trong tháng 3
Tháng 3 đến mang theo không khí náo nhiệt của những lễ hội đặc sắc trải dài khắp miền Tây sông nước. Trong tiết trời giao mùa dễ chịu, người dân địa phương và du khách có dịp hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Từ những nghi thức truyền thống linh thiêng tại các đình thần, miếu mạo đến những hoạt động vui chơi, giải trí đậm chất dân gian, tháng 3 mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo cho những ai muốn khám phá nét đẹp văn hóa miền Tây. Nổi bật trong số đó là Lễ hội kỳ yên Đình thần Tân Lộc (Cà Mau), Lễ hội Kỳ Yên (Vĩnh Long), Lễ hội Thác Côn (Sóc Trăng), Lễ hội Trần Văn Năng (Đồng Tháp) và Lễ hội cúng Phước Biển (Sóc Trăng).
Lễ hội kỳ yên Đình thần Tân Lộc, Cà Mau
Đình thần Tân Lộc tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố khoảng 9km. Lễ hội kỳ yên tại Đình được tổ chức vào ngày 16-17 tháng 2 âm lịch (khoảng tháng 3 dương lịch) hàng năm với mục đích tạ ơn tiền nhân và cầu mong quốc thái dân an. Lễ hội bao gồm các nghi thức truyền thống như rước sắc thần, dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc văn tế. Ban Hương chức và các lễ sĩ tham gia rước sắc thần với trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống. Ngoài ra, lễ hội còn có các nghi thức tế thần nông, cúng túc yết, xây chầu, chánh tế, cúng binh và khán sắc nhằm tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân và những người đã hy sinh vì đất nước.
Lễ hội Thác Côn, Sóc Trăng
Lễ hội Thác Côn, còn được gọi là lễ hội Đạp Cồng hoặc lễ hội Cúng Dừa, là một sự kiện văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 15 đến 17 tháng 2 âm lịch tại chùa Mahasal Thatmon, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ý nghĩa chính của lễ hội là cầu an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gắn liền với truyền thuyết về chiếc cồng vàng linh thiêng nổi lên từ lòng đất. Trong lễ hội, người dân tổ chức các nghi thức cúng tế, dâng lễ vật và cầu nguyện cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu.
Lễ hội Trần Văn Năng, Đồng Tháp
Lễ hội Trần Văn Năng diễn ra vào ngày 15-17 tháng 2 âm lịch tại Đền thờ Trần Văn Năng, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Thượng tướng quận công Trần Văn Năng, vị quan triều Nguyễn có công lớn với đất nước. Ông mất năm 1835 tại Bến Siêu (nay thuộc huyện Thanh Bình) khi đang làm nhiệm vụ. Lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào quê hương và tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng. Các hoạt động trong lễ hội nhằm tôn vinh công đức của Trần Văn Năng và nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ cúng Phước Biển, Sóc Trăng
Lễ hội cúng Phước Biển, hay Chrôium check, là một lễ hội dân gian quan trọng của đồng bào Khmer vùng biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch hàng năm với mục đích tạ ơn biển cả và cầu mong sự bình an, may mắn cho những người đi biển. Các hoạt động chính trong lễ hội bao gồm rước tượng Phật, cầu siêu, tụng kinh, thuyết pháp và an vị Phật. Ngoài ra, lễ hội còn thu hút khách tham quan khi đem tới nhiều hoạt động giải trí như các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật và thi đấu thể thao…
Những địa danh nên ghé khi đi du lịch miền Tây tháng 3
Tháng 3 là lựa chọn hoàn hảo để du lịch miền Tây, khi mà thời tiết nắng đẹp, ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám phá cảnh quan và trải nghiệm văn hóa sông nước. Du khách có thể lựa chọn ghé thăm nhiều tỉnh thành khác nhau, mỗi nơi đều mang những nét đặc trưng riêng biệt. Từ vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng tràm U Minh Hạ ở Cà Mau, đến sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, hay nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng…, miền Tây tháng 3 ghi điểm bởi đa dạng những địa danh nổi tiếng, hấp dẫn.
Kiên Giang
Tháng 3 là khoảng thời gian phù hợp để du lịch Kiên Giang, nhờ vào thời tiết khô ráo, nắng ấm, biển êm dịu, thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời. Nơi đây nổi tiếng với nhiều điểm đến hấp dẫn như quần đảo Nam Du, Mũi Nai Hà Tiên… Đặc biệt, Phú Quốc là điểm đến không thể bỏ qua với vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, bãi biển, làng chài và hệ sinh thái đa dạng. Tại Đảo ngọc, du khách có thể khám phá mũi Gành Dầu, bãi Sao, bãi Trường, mũi Dinh Cậu, nhà tù Phú Quốc… và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của chợ đêm, thưởng thức đặc sản địa phương.
An Giang
An Giang, tỉnh miền Tây nổi tiếng với những cánh đồng lúa, vườn trái cây trĩu quả, đồng thời còn được biết đến với vẻ đẹp thơ mộng của hoa ô môi. Tháng 3 về, ô môi nở rộ, đem tới sắc hồng đặc trưng, phủ kín những con đường, làng quê An Giang. Vẻ đẹp của hoa ô môi được ví như hoa anh đào của Đà Lạt, mang đến cho du khách cảm giác lãng mạn như lạc vào khung cảnh phim Hàn Quốc. Dựa theo kinh nghiệm của đông đảo du khách, Miệt Vĩnh Trạch, An Giang là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, đằm thắm của loài hoa đặc trưng này.
Cà Mau
Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc, nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sông nước hữu tình và con người chân chất, hiền hòa. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi du lịch miền Tây tháng 3. Đến với Cà Mau, du khách có cơ hội trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo như đờn ca tài tử, khám phá những câu chuyện về Bác Ba Phi, hòa mình vào thiên nhiên sông nước và thưởng thức các món đặc sản rừng. Thêm vào đó, Mũi Cà Mau với cột mốc tọa độ GPS 0001 hay đảo Hòn Khoai, đầm Thị Tường và rừng quốc gia U Minh Hạ đều là những địa điểm tham quan nổi tiếng mà du khách có thể ghé tới.
Đồng Tháp
Tháng 3 là thời điểm hoàn hảo để du lịch Đồng Tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng lúa trải dài hay những dòng kênh xanh mát. Ngoài ra, đây cũng là mùa thu hoạch quýt Lai Vung nổi tiếng. Đến với Đồng Tháp, du khách có thể ghé thăm các điểm đến hấp dẫn như: Làng hoa Sa Đéc với muôn vàn loài hoa khoe sắc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mang đậm dấu ấn kiến trúc xưa, khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt và vườn quốc gia Tràm Chim với hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt, Làng hoa Sa Đéc sẽ là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là những người yêu nghệ thuật hoa cảnh.
Sóc Trăng
Sóc Trăng là một thành phố thu hút du khách bởi những ngôi chùa cổ kính mang kiến trúc độc đáo, khung cảnh thiên nhiên yên bình và nền ẩm thực phong phú. Đây là vùng đất giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, tạo nên nét đặc sắc riêng. Đến với Sóc Trăng, du khách có thể tham quan chùa Dơi, chùa Chén Kiểu với kiến trúc Khmer độc đáo, trải nghiệm thu hoạch trái cây tại cồn Mỹ Phước, dạo bước trên con đường hoa kèn hồng thơ mộng và thưởng thức các món đặc sản như bánh pía, bún nước lèo, bánh cống…
Bến Tre
Bến Tre được mệnh danh là “xứ dừa” với khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm. Tháng 3 là thời điểm thích hợp để du khách đến đây khám phá vẻ đẹp của những cù lao xanh mướt như cồn Phụng, cồn Quy, hay tham quan sân chim Vàm Hồ, biển Bình Đại. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc tại làng du kích Đồng Khởi và trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của làng nghề Phú Lễ.
Kinh nghiệm du lịch miền Tây tháng 3
Để chuyến du lịch miền Tây tháng 3 của du khách thêm trọn vẹn và thuận lợi, hãy lưu ý một số kinh nghiệm hữu ích sau đây:
- Trang phục gọn gàng: Phương tiện di chuyển chủ yếu khi du lịch miền Tây là đò/thuyền. Do đó, du khách tham quan nên lựa chọn trang phục gọn gàng, thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển, lên xuống thuyền.
- Mang theo vật dụng y tế: Để phòng tránh những trường hợp sơ cứu nhỏ, khách du lịch cần chuẩn bị một số dụng cụ y tế cơ bản như băng dán cá nhân, thuốc xịt côn trùng, bông, cồn,…
- Balo nhỏ gọn: Một chiếc balo nhỏ gọn sẽ giúp du khách đựng những vật dụng cần thiết như điện thoại, ví tiền, nước uống,… và dễ dàng di chuyển, hoạt động hơn trong quá trình tham quan.
- Trang phục lịch sự khi vào chùa: Khi đến tham quan các đền, chùa linh thiêng, khách du lịch nên lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo để thể hiện sự tôn kính.
- Hạn chế trang phục màu trắng: Màu trắng tuy đẹp nhưng dễ bị ố vàng bởi nước sông. Vì vậy, du khách nên hạn chế mặc trang phục màu trắng để tránh làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Che chắn da cẩn thận: Ánh nắng miền Tây khá gay gắt, khách tham quan nên mang theo áo khoác, mũ nón, kem chống nắng,… để che chắn và bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV.
Du lịch miền Tây tháng 3 ghi điểm bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu mát mẻ. Đây là lúc thích hợp để tham gia các hoạt động thú vị như thưởng thức trái cây miệt vườn, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa và trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân địa phương. Bên cạnh đó, du khách cũng có cơ hội hòa mình vào không khí nhộn nhịp của các lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra trong tháng. Với những nét hấp dẫn riêng biệt, du lịch miền Tây tháng 3 sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và những kỷ niệm khó quên.